cánh hạc chở những yêu thương

Thành viên: Bùi Thị Thi Thơ  |   Bài viết: 63 |  Chủ nhật - 02/12/2018 18:50
Cánh hạc chở những yêu thương
Sáng tác: Học sinh Nguyễn Hữu Ngọc Sơn
Lớp 10T4
Tiến đang mơ màng trong giấc ngủ. Hiếm khi có một buổi sáng nào đẹp như hôm nay: trong cái không khí se lạnh của sáng đầu đông, vừa bắt đầu kỳ nghỉ lễ nên không phải đến trường, được chìm trong giấc ngủ giừa đống chăn nệm thì còn gì thích bằng. Nhưng tiếc thay, sự thích thú đó lại không kéo dài lâu. Tiếng chuông cửa vang lên, kéo nó ra khỏi giấc mơ êm đẹp. “ Kiểu gì thì cũng là một hộp quà được gói cẩn thận cho mà xem” – nó thầm nghĩ trong lúc ra mở cổng. Đã ba tuần rồi, những món quà sáng nào cũng được gửi đến cho nó, mỗi ngày một hộp. Số quà cứ ngày ngày tăng lên, khiến mọi người càng tò mò. Đầu tiên là bố mẹ:
- Ai mà ngày nào mà cũng gửi quà cho con vậy?
Tiếp theo là em gái nó:
- Anh có chị nào gửi quà mà nhiều vậy ?
Mỗi khi bắt gặp những câu hỏi như thế, Tiến chỉ biết cười cho qua chuyện. Và tự hỏi mình “ Ai là người gửi quà cho nó ?” Không biết cũng phải thôi, trên những chiếc hộp, hàng chữ “ Người gửi” vẫn để trống. Bê hộp quà vào nhà, chẳng buồn mở ra, Tiến đã vớ ngay lấy điện thoại, và bấm số. Năm phút sau đã có tiếng í ới ngoài cửa:
- Ra mở cổng Tiến ơi !
Không cần đợi gia chủ lề mề, Minh Đức thò tay vào mở chốt, chạy vù vào nhà, theo sau là Trà My đang bước chậm rãi. Chưa kịp bước vào nhà, Minh Đức đã kêu ầm lên:
- Cậu rảnh thì tự kỷ chơi một mình đi, đừng có làm phiền người khác. Cậu có biết là giờ này, ngoài phố không có lấy một bóng người không hả ? Tôi còn chưa kịp ăn gì thì đã phải đến đây rồi.
Tiến từ dưới bếp đi lên, tay cầm mấy cái bánh ngọt còn sót lại từ hôm qua, đặt lên bàn và mỉm cười:
- Này, ăn đi và im giùm tôi với. Thật ra tôi gọi các cậu đến đây là có chuyện cả. Chuyện là...
Sau khi ăn​ xong, cả bọn xúm vào xem xét mấy cái hộp. Vẫn là cái trò đoán mò cũ rích chiếm gần hết cả buổi sáng. Cuối cùng, Trà My mới có một phát hiện thú vị:
- Mấy cái hộp này đều có dấu bưu điện cả.
Tiến reo lên:
- Ý cậu là, nếu chúng ta đứng chờ ở bưu điện, người gửi sẽ xuất hiện đúng không!
Ngày tiếp theo, từ sáng sớm tinh mơ, ba đứa trẻ đã có mặt ở bưu điện thành phố. Những cơn gió thổi qua lạnh thấu xương. Bầu trời vẫn âm u cho dù đã 6 giờ sáng. Cả ba vừa đứng vừa run cầm cập. 15 phút trôi qua, rồi 30 phút,1 tiếng,...vẫn chưa thấy người bọn nó muốn gặp. Nhưng thứ bọn nó không muốn gặp lại xuất hiện. Mưa rơi. Từng giọt​ to, đập vào mái tôn nghe lộp độp. Mưa mỗi lúc một dày và nặng hạt. Chẳng lẽ lại đứng đây? Thế là cả bọn rồng rắn kéo nhau chạy mưa về nhà Tiến. Nhưng ô kìa! Trước cổng nhà, dưới màn mưa trắng xóa là một chiếc hộp đang ướt sũng nước mưa.
Chạy vào nhà, Minh Đức sửng cồ:
- Rút cuộc là cậu đã mở mấy cái hộp ra chưa vậy?
Tiến đi vào phòng, lấy ra một mớ đồ chơi cũ mèm và một nắm hạc giấy:
- Tôi chỉ mở vài hộp. Đây là những thứ tôi tìm được.
Trong đống đồ là một chiếc kèn nhựa đã sứt mẻ; một con gấu bông rách rưới, lông xù lên, bông lòi cả ra ngoài; một cái ô tô đồ chơi màu đỏ đã gãy mất hai cái gương;... Nhưng My chỉ chú ý đến mấy con hạc. Cô nhón lấy một con, nhẹ nhàng mở ra:
- Cậu đã thử mở những con hạc ra chưa. Lỡ như trong đó là một thông điệp nào đó thì sao?
Quả đúng như vậy, tờ giấy gấp hạc ghi dòng chữ
Cánh hạc chở những ước mong của cậu đến tôi
   Cánh hạc lại chở lời cảm ơn của tôi đến cậu
Mải suy nghĩ về câu nói, Tiến không để ý rằng chuông điện thoại đang réo. Chỉ đến khi Trà My thức tay, nó mới giật mình nhấc điện thoại lên. Trong máy là giọng của mẹ:
- Lúc sáng mẹ đi vội, quên tập hồ sơ của bệnh nhân ở nhà. Con đem qua đây cho mẹ nhé.
Tiến nhăn mặt, tỏ vẻ khó chịu:
- Trời ạ ! Lại phải ra đường. Mẹ tôi quên đồ ở nhà, tôi phải đưa lại cho mẹ. Các cậu ở đây, lát nữa tôi về.
Nói rồi, Tiến vào phòng tìm tập hồ sơ rồi bỏ đi một mạch, sau lưng là tiếng khoá cửa và giọng gọi với của Mình Đức:
- Này! Chờ bọn tôi với!
. . .
Y Đức là một bệnh viện lớn. Bước vào đây, ta sẽ bắt gặp vô số người nhà bệnh nhân ngồi la liệt ở trong những hàng ghế đặt ngoài hành lang, hay thậm chí dưới sàn nhà. Nhưng tuyệt nhiên không có một tiếng ồn. Có thể là vì những tờ giấy dán ở khắp mọi nơi có ghi “ Đi nhẹ nói khẽ”, hoặc có thể những gương mặt buồn bã và lo lắng kia đã quá mệt mỏi để cười nói râm ran. Tiến nói nhỏ với hai bạn:
- Các cậu đứng đây, tôi lên đưa đồ cho mẹ rồi xuống ngay.
   Tiến chạy lên tầng 3, tìm phòng mẹ nó. Phòng họp, phòng lưu trữ, phòng viện trưởng,... A đây rồi! Nó bước vào. Mẹ đang đợi sẵn, chạy lại đón lấy tập tài liệu:
- Đây rồi, cảm ơn con nhé.
Mẹ nó chạy vù ra khỏi cửa, sang phòng bên cạnh. Tiến từ từ đi ra cổng. Đến chỗ lúc nãy đứng, cậu thấy My và Đức đang ngồi cùng một cô bé rất lạ. Cô bé nhỏ nhắn, mảnh dẻ với nước da trắng và mái tóc dài xinh xắn. Lại gần mới thấy, trong​tay cô là một chiếc hộp nhỏ đầy nhóc những con hạc được xếp bằng giấy. Đức tò mò hỏi:
- Tại sao em lại xếp hạc giấy?
Cô bé hồn nhiên trả lời:
- Bởi vì cánh hạc chở những điều tốt đẹp ạ.
Câu nói như luồng điện chạy dọc sống lưng cả ba. Trà My lật đật hỏi lại:
- Ai nói với em như thế?
Cô bé cười tươi rói, đầu hơi nghiêng về một bên :
- Chị em bảo như thế.
Từ xa, một bác lớn tuổi chạy lại với một túi hoa quả trong tay:
- Con gái ngồi chờ lâu không ? Mẹ xin lỗi nhé, gần đây chẳng có chỗ bán hoa quả nào cả.
Cô bé mỉm cười, đón lấy túi hoa quả từ tay mẹ:
- Không sao ạ, các anh chị ngồi đây chơi với con từ khi mẹ vừa đi mà.
Rồi em cầm quả táo, định đưa lên miệng cắn. Trà My vội nói:
- Không được, để chị đem đi rửa đã
Cô cầm lấy mấy thứ trái cây vừa mua về, đem ra vòi nước. Trong lúc My vắng mặt, bác gái quẩy sáng nói với Tiến:
- Cháu trông Nguyệt Minh cho bác à ? Bác cảm ơn cháu nhiều nhé, thật là một cậu bé ngoãn ngoãn lại tốt bụng.
Tiến gãi đầu ngượng ngùng, ra vẻ ta đây khiêm tốn lắm. Mà đúng là ngượng thật, nó có biết gì đâu, đang ở trên phòng của mẹ xuống đây, còn chưa nói chuyện với bé một câu nữa. Thật may, đang gãi đầu bối rối chưa biết trả lời thế nào thì Trà My đi vào. Bác gái lại quay sang hỏi Trà My:
- Bây giờ Nguyệt Minh đã khám xong rồi, bọn bác chuẩn bị về nhà, các cháu có muốn về nhà bác uống một cái gì âm ấm, xem như lời cảm ơn không.
Tiến đang định từ chối, chợt nghe đau nhói ở chân. Minh Đức dẫm vào chân rồi kéo nó đứng dậy, trước khi đi còn kèm theo một cái nháy mắt.
Hai mẹ con cùng ba đứa trẻ kéo nhau ra cổng, đến một ngôi nhà cấp bốn lụp xụp bên cạnh bệnh viện. Bước vào nhà, Tiến còn ngỡ ngàng hơn. Ngôi nhà xập xệ, tồi tàn và bừa bộn kinh khủng. Phòng khách chẳng có gì ngoài bộ bàn ghế cũ bị mối mọt ăn loãng lổ. Trên đống gạch xếp ngay ngắn kê một chiếc ti vi thùng từ đời trước. Vì đồ đạc chẳng lấy gì làm nhiều như vậy, nên việc phát hiện ra những hộp quà để trong một góc phòng. Lúc đầu, khi nhìn thấy những món quà, Tiến hơi sửng sốt nhưng nhanh chóng lấy lại vẻ mặt bình thản, quay sang hỏi chuyện bác trai:
- Nhà mình còn đứa con  nào nữa không ạ?
Bác trai xởi lởi:
- Không cháu ạ. Nhà bác chỉ có Nguyệt Minh.
Nguyệt Minh giãy nảy lên, tỏ vẻ không đồng ý:
- Không đúng, nhà mình còn chị Nguyệt Thì nữa.
Quay sang, thấy ba vị khách đang ngớ người ra, bác gái vội phân bua:
- Các cháu đừng hiểu lầm nhé. Nguyệt Thì không phải con gái bác đâu.
Rồi bác bắt đầu kể: Chị gái bác lấy chồng từ rất sớm, rồi mang thai đứa con đầu lòng từ năm 20 tuổi. Hồi đó làm gì có công nghệ siêu âm tiên tiến như này, có ai biết mình đang mang trong bụng con trai hay con gái đâu. Đến ngày lên bàn mổ, cả họ hàng nhà nội còn đi theo đến trạm xá. Vào phòng đẻ, bác sĩ khám xong xuôi rồi nói “ Đúa bé này đầu lớn quá, không đẻ thường được, phải đẻ mổ đấy. Nhưng tỷ lệ sống sót của cô sau khi đẻ mổ sẽ rất thấp. Theo tôi, cô nên phá cái thai này đi” Nhưng lương tâm của một người mẹ mà, làm sao có thể làm như thế. Và khi một sinh linh linh được ra đời, một bàn tay khác đã không còn sự sống. Bố nó ở ngoài nghe tin là một đứ con gái. Với suy nghĩ lạc hậu trong cái thời đất nước vừa chập chững phát triển, ta còn mong gì hơn ngoài cái lắc đầu thất vọng. Nghe lời “ông nội”, bố nó quyết định tổ chức đám cưới với một người phụ nữ khác, bỏ lại đứa trẻ còn chưa có tên trong cô nhi viện. 3 tháng tuổi, con bé đã phải nhập viện. Bác sĩ nói nó bị “não úng thuỷ”, một căn bệnh hiếm ở Việt Nam. Rồi bệnh viện cũng trả về với họ hàng. Bên nội không nhận, chẳng lẽ bên ngoại bỏ mặc đứa bé? Cả họ ngoại chỉ có 2 chị em. Thế là gia đình bác phải nhận nó về nuôi, đặt tên là Nguyệt Thy. Gia đình bác coi nó như con đẻ vậy, đến cả Nguyệt Minh cũng không biết chuyện này.
Câu chuyện âm vang khắp căn phòng, âm vang cả trong tâm trí của những đứa trẻ. Một dấu lặng sau lời kể, dường như đã được ngân dài vô tận.
Tiến là người phá vỡ bầu không khí yên tĩnh đó, cậu chỉ vào những món quà và hỏi:
- Nhưng chiếc hộp đó, là của Thy phải không ạ ?
Bác trai trả lời :
- Cách đây 6 năm, nó phải đi cấp cứu vì sốt cao. Trong những tháng ngày coi bệnh viện là nhà, có một cậu bé, hình như tên là Dương Minh Tiến ngày nào cũng gửi quà cho nó. Chỉ là đồ chơi cũ thôi, nhưng con bé thích lắm. Nó đưa ra ngắm suốt. Lúc nhận được món quà cuối cùng, 1000 con hạc giấy cùng câu nói “Em đã có một điều ước rồi đấy” nó nói với bác “Khi nào con khỏi bệnh, con sẽ trả lại những món quà này”. Và từ hôm đó, nó cứ ngồi gói những hộp quà này.
Tiến ngồi nhớ lại 6 năm về trước :
“ Lúc đó, có một cậu bé 9 thích đọc báo khăn quàng đỏ. Cậu đọc được câu chuyện về một cô bé bị “não úng thuỷ” đang điều trị tại bệnh viện của mẹ cậu. Cậu kể với mẹ và nhận được lời khuyên “Con hãy tặng cô bé ấy thứ gì con yêu quý nhất”. Thế là, sáng nào cậu cũng theo mẹ đến chỗ làm với hộp quà trên tay. Trên báo, cậu cũng đọc được rằng 1000 con hạc giấy sẽ cho ta một điều ước. Và từ đó, phòng cậu vương vãi những tờ giấy vuông vắn bé xinh. Trước ngày cậu về quê thăm ông bà, em gửi đến cô ấy chiếc lọ có 1000 con hạc. Khi trở về, nghe nói cô bé ấy chuyển viện rồi thì phải.”
Đang miên man trong dòng suy nghĩ, Tiến chợt nghe hai chân đau điếng. Cậu giật mình hỏi :
- Vậy Nguyệt Thy đâu rồi ạ ?
Bác trai không giấu nổi cái lắc đầu buồn bã :
- Nó mất rồi. Sau khi chuyển viện được 4 ngày.
Tin vừa nghe như sét đánh bên tai. Trà My và Minh Đức há hốc mồm kinh ngạc, còn Tiến thì hét lên :
- Vô lý ! Vô lý hết sức ! Hôm qua cháu còn nhận được quà cơ mà !
Bác trai điếng người :
- Thì ra cháu là Minh Tiến đó hả ? Những hộp quà không phải nó gửi đâu, bác đã đặt ở bưu điện một ít, nhờ họ gửi đấy. Với trách nhiệm của một người bố, bác nên thực hiện tâm nguyện cuối cùng của Nguyệt Minh.
Cuộc chuyện còn dài, nhưng tác giả nghĩ, sự riêng tư là điều cần thiết.
   Sau khi ra khỏi ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, Minh Tiến, Minh Đức và Trà My, không ai bảo ai đều bước về phía cửa hàng bán đồ làm Origami
 

Nguồn tin: Nguyễn Hữu Ngọc Sơn - 10T4

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
  •   DANH MỤC CHÍNH
  •   LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây