ĐỀ KHẢO SÁT ĐẦU NĂM HỌC 2017-2018 NGỮ VĂN 11

Thành viên: Bùi Thị Thi Thơ  |   Bài viết: 63 |  Thứ tư - 04/10/2017 22:14
SỞ GD-ĐT NGHỆ AN
TRƯỜNG THPT HÀ HUY TẬP
ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM HỌC 2017-2018
                            Môn thi: Ngữ văn lớp 11
                             Thời gian: 120 phút
  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Củ khoai lớn ở ngoài đồng
Ông trăng lên lớn ở trong bầu trời
Cánh buồm lớn giữa biển khơi
Lá cờ lớn bởi gió vời lên cao.
Con đường lớn với khát khao
Niềm vui lớn bởi tiếng chào, bàn tay
Còn như con của mẹ đây
Trong vòng tay mẹ ngày ngày lớn lên.
                                        (Hát ru, Xuân Quỳnh, Thơ Xuân Quỳnh, Nxb Hội nhà văn, 2014, tr 232)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên (0,5 điểm)
Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào về ý nghĩa 2 dòng thơ sau: (0.75 điểm)
Còn như con của mẹ đây
Trong vòng tay mẹ ngày ngày lớn lên.
Câu 3. Chỉ ra hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong 6 dòng thơ đầu.(0,75 điểm)
Câu 4. Theo anh/chị, qua lời ru trên, người mẹ muốn giáo dục cho con bài học gì?  (1,0 điểm)
  1. LÀM VĂN
Câu 1. (2,0 điểm)
Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của lời ru đối với sự hình thành nhân cách con người trong xã hội hiện đại.
 
Câu 2. (5,0 điểm)
Chàng về đến nhà, té ra mình chết đã được hai ngày rồi. Nhân đem những việc đã qua kể cho mọi người nghe, ai cũng kinh hãi và không tin là thực. Sau họ đón một bà đồng về phụ bóng, đồng lên cũng nói đúng như lời Tử Văn. Người làng bèn mua gỗ, lại dựng một tòa đền mới. Còn ngôi mộ của người tướng kia thì tự dưng thấy bật tung lên, hài cốt tan tành ra như cám vậy.
Sau đó một tháng, Tử Văn thấy Thổ công đến bảo:
- Lão phu đã trở về miếu, công của nhà thầy không biết lấy gì đền đáp được. Nay thấy ở đền Tản Viên khuyết một chân phán sự,  lão đã vì nhà thầy hết sức tiến cử, được đức Thánh Tản ngài đã bằng lòng, vậy xin lấy việc đó để đền ơn nghĩa. Người ta sống ở đời, xưa nay ai chẳng phải chết, miễn là chết đi còn được tiếng về sau. Nếu trùng trình độ nửa tháng, sợ sẽ về tay người khác mất. Nên cố gắng đi, đừng coi là việc tầm thường.
Tử Văn vui vẻ nhận lời, bèn thu xếp việc nhà, rồi không bệnh mà mất.
Năm Giáp Ngọ, có người ở thành Đông Quan vốn quen biết với Tử Văn, một buổi sớm đi ra ngoài cửa tây vài dặm, trông thấy ở trong sương mù có xe ngựa đi đến ầm ầm, lại nghe  tiếng quát:
  • Người đi đường tránh xa, xe quan phán sự!".
Người ấy ngẩng đầu trông thì thấy, người ngồi trên xe chính là Tử Văn. Song Tử Văn chỉ chắp tay thi lễ chứ không nói một lời nào, rồi thoắt đã cưỡi gió mà đi biến mất. Đến nay con cháu Tử Văn hãy còn, người ta truyền rằng đó là "nhà quan phán sự!".
                 (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ, Ngữ văn 10, tập 2, Nxb Giáo dục, 2015, tr 59)
               Nếu được yêu cầu viết đoạn kết của truyện, anh/chị sẽ đồng tình với cách kết thúc như trên hay chọn một cách kết thúc khác? Trình bày và giải thích ý kiến của mình.
 
                                                   --------------Hết---------------
 

                      HƯỚNG DẪN CHẤM THI KHẢO SÁT ĐẦU NĂM 2017- 2018
MÔN: NGỮ VĂN 11
  1.  ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên: phong cách ngôn ngữ nghệ thuật- 0,5 điểm
Câu 2.  ý nghĩa 2 dòng thơ sau:
Còn như con của mẹ đây
Trong vòng tay mẹ ngày ngày lớn lên.
HS có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng đảm bảo ý chính: con lớn lên bằng tình yêu thương, chở che... của mẹ
  • Điểm: 0,75: đủ ý, diễn đạt mạch lạc
  • Điểm 0,5: có ý nhưng diễn đạt thiếu mạch lạc
  • Điểm 0,25: hiểu sơ lược, diễn đạt lủng củng
  • Điểm 0: không có câu trả lời hoặc sai hoàn toàn
Câu 3. Chỉ ra hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong 6 dòng thơ đầu.
  • Chỉ ra biện pháp tu từ: phép điệp/điệp từ/điệp cấu trúc: 0,25
  • Chỉ ra hiệu quả:
+ về nội dung: nhấn mạnh những hiện tượng tự nhiên, xã hội có chung quy luật: vạn vật lớn lên nhờ có thế giới xung quanh, có cộng đồng (0,25)
+ Về nghệ thuật: tạo nhịp điệu, âm hưởng cho lời ru (0,25)
Câu 4. HS có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo ý chính: Đây là một bài học giản dị về ý thức cộng đồng. Không ai có thể tự mình lớn lên, nếu không có chiếc nôi rộng lớn là cuộc đời. (1,0)
II.LÀM VĂN
Câu 1. (2,0 điểm)
Yêu cầu về kỹ năng: Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ, 20 – 30 dòng), xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành đoạn văn; biết vận dụng các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; khuyến khích sáng tạo; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Yêu cầu về kiến thức:  Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách song cần đảm bảo một số ý chính sau:
  • Lời ru là điệu hát dân gian êm ái, thiết tha, ru cho trẻ ngủ, đồng thời biểu lộ tình cảm, tâm sự một cách nhẹ nhàng.
  • Lời ru có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành nhân cách con người trong xã hội truyền thống cũng như  xã hội hiện đại, đó là bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn đứa trẻ trước khi phải va chạm với một thế giới ồn ào, bon chen, trước khi tiếp xúc với những phương tiện hiện đại nhưng vô hồn.
+ Trong lời ru có tình thương yêu sâu lắng và tha thiết của bà, của mẹ…
+ Trong lời ru chứa đựng những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm, bài học về cách ứng xử, cách sống đẹp ở đời;
  • Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, một bộ phận lớn trẻ em không được nghe hát ru, trong đời sống tinh thần thiếu vắng lời ru, các bà mẹ không biết hoặc không muốn hát ru đã mang đến cho con âm nhạc điện tử. Đây là mặt trái của xã hội hiện đại, làm tâm hồn con người xơ cứng, vô cảm.
Câu 2. (5,0 điểm)
Yêu cầu: HS có thể đồng tình hay không đồng tình với kết thúc như đã có và đưa ra một cách kết thúc khác; vấn đề quan trọng là có thể giải thích một cách hợp lí và thuyết phục về ý kiến của mình trên cơ sở:
-Kết thúc phải phù hợp với đặc điêm nhân cách nhân vật Ngô Tử Văn: cương trực, vì chính nghĩa, công lí
-Kết thúc phù hợp với diễn biến cốt truyện: có hậu
-Kết thúc phù hợp với đặc điểm truyện truyền kì: yếu tố kì ảo  đóng vai trò làm cho câu chuyện hấp dẫn, sinh động
                             -------------------------------------------------------
 
 
 
 
 

Nguồn tin: TỔ NGỮ VĂN:

 Từ khóa: khảo sát ngữ văn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Các tin khác

  •   DANH MỤC CHÍNH
  •   LIÊN KẾT WEBSITE
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây